Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa đã đạt 63,6%, tăng gần 14% so với cuối năm ngoái.
Sự cố tấn công mạng vào Việt Nam giảm 26%
Thông tin về tình hình an toàn, an ninh mạng Việt Nam trong nửa đầu năm 2020, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, cơ quan này đã ghi nhận 2.017 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 26% so với 6 tháng cuối năm 2019 và giảm 27,1% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, có 805 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 788 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 296 cuộc tấn công cài mã độc (Malware).
Thúc đẩy phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng Việt Nam cũng là một nhiệm vụ trọng tâm Bộ TT&TT giao Cục An toàn thông tin chủ trì thực hiện.
Đến nay, đã có 84 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, trong đó có 4 tập đoàn nhà nước, 54 công ty cổ phần và 26 công ty trách nhiệm hữu hạn.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, việc phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, doanh thu lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đạt 774,5 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019. Doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% cuối năm 2019 lên 50,8% vào tháng 6 năm 2020.
Đặc biệt, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa tăng từ 50% cuối năm 2019 lên 63,6% vào tháng 6/2020. Số bộ, tỉnh đã triển khai Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC đã tăng từ 8 Bộ, tỉnh vào cuối năm 2019 lên 31 bộ, tỉnh vào tháng 6/2020.
|
Trong nửa cuối năm 2020, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa đạt 80% (Ảnh minh họa) |
Sứ mệnh làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam
Phát biểu kết luận hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh 6 định hướng lớn của Bộ, trong đó định hướng “An toàn thông tin với sứ mệnh làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam”.
Bộ TT&TT cũng xác định rõ, hiện nay mọi hoạt động trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đều được đưa lên môi trường mạng. Do vậy, vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng trở thành yếu tố sống còn. Đây cũng là yêu cầu then chốt để chuyển đổi số thành công, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.
Trong nửa cuối năm 2020, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy việc tăng tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạnh lên tối thiểu 10% tổng chi cho CNTT của các bộ, ngành, địa phương. Theo Cục An toàn thông tin, năm 2019 tỷ lệ kinh phí chi cho an toàn, an ninh mạng/ tổng chi cho CNTT của các bộ, ngành, địa phương trung bình là 7,87%.
Cùng với đó, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai mô hình 4 lớp bảo đảm an toàn, an ninh mạng đảm bảo đến cuối năm 2020 tỷ lệ này đạt 100%. Đồng thời, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa đạt 80%, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam.
Chia sẻ về những giải pháp Cục An toàn thông tin tập trung trong nửa cuối năm nay, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cho biết, Cục sẽ đẩy mạnh triển khai Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC ở tất cả các bộ, ngành, địa phương, với quyết tâm đến cuối năm nay tất cả bộ, ngành, địa phương đều có Trung tâm SOC.
“Nền tảng Trung tâm SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin là thành phần quan trọng nhất để đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp”, giúp hoàn thành 2 lớp quan trọng gồm: Lớp giám sát bảo vệ chuyên nghiệp; Lớp kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia”, ông Phúc cho hay.
Nhận định việc hoàn thành chỉ tiêu 100% bộ, ngành, địa phương triển khai Trung tâm SOC vào cuối năm nay là hoàn toàn khả thi, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết thêm, việc này sẽ được thực hiện theo hình thức thử nghiệm trước và ưu tiên thuê dịch vụ.
Việc triển khai một hệ thống SOC hiệu quả quyết định bởi đội ngũ nhân sự, chuyên gia phân tích, vận hành, khai thác theo quy trình chuyên nghiệp. Lực lượng nhân sự chuyên nghiệp này chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp, vì vậy, cần ưu tiên hình thức thuê dịch vụ SOC.
Thời gian tới, Cục An toàn thông tin sẽ mở các chiến dịch để rà quét mã độc, giảm thiểu tỷ lệ địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma – PV).
“Với những giải pháp mạnh như vậy, chúng tôi kỳ vọng bức tranh an toàn, an ninh mạng Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ có những bước tiến đáng kể”, ông Phúc chia sẻ.
Vân Anh